nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du


Tối 28/11, UBND huyện Nghi Xuân phối hợp với Đài PTTH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình nghệ thuật “Về miền địa linh”, khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Nguyễn Du.
 
 
Cùng dự có Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn; lãnh đạo TP. Vinh, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), huyện Kim Sơn (Ninh Bình), TP. Uông Bí (Quảng Ninh), quận Hoàng Mai (Hà Nội) cùng dòng tộc họ Nguyễn – Tiên Điền và đông đảo du khách, nhân dân.
 
Phát biểu khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Nguyễn Du, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam bày tỏ niềm tự hào về quê hương Nghi Xuân – miền địa linh nhân kiệt. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa, là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du – danh nhân văn hóa thế giới cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền nức danh khoa bảng, quê hương của Nguyễn Công Trứ tài hoa.
 
Tiếp tục khẳng định những di sản mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế, cho quê hương, bài phát biểu còn khẳng định, không phải đợi đến 300 năm, mà trước đến nay và cả ngàn năm nữa, thiên hạ vẫn sẽ còn khóc với nỗi lòng của Tố Như. Cũng có nghĩa, Truyện Kiều sẽ còn vọng mãi ngàn thu và nuôi dưỡng tâm hồn người Việt. Với ý nghĩa đó, Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du được tổ chức tại quê hương của Đại thi hào là dịp để tiếp tục tôn vinh những giá trị xuyên thời đại mà cụ Nguyễn để lại; đồng thời giúp du khách hiểu thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất và người Nghi Xuân.
 
Sau phần khai mạc, đông đảo du khách và quần chúng nhân dân đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Về miền địa linh” do các diễn viên nghệ thuật quần chúng huyện Nghi Xuân biểu diễn. Chương trình là sự khái quát cao những thành tố văn hóa tạo nên vùng địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng những người con ưu tú mà tiêu biểu là Nguyễn Du. Chương trình gồm 3 chương với 10 tiết mục, do nhạc sĩ Mạnh Chiến làm tổng đạo diễn, với sự trợ giúp của Ngọc Cảnh, biên đạo múa Thu Hương
 
Chương 1 có chủ đề “Miền quê văn vật” gồm các tiết mục: Khúc giao duyên miền văn vật, Về miền quê anh của nhạc sĩ Mạnh Chiến, Hữu tình non nước Nghi Xuân của Văn Thế. Qua bức tranh nghệ thuật, các nghệ sĩ đã tái hiện hiện tại và quá khứ đầy sinh động, với sự hội ngộ giữa văn hóa các miền, có âm vang của kinh thành Thăng Long vọng về miền văn vật, quê hương của đại thi hào. Đó cũng là lúc, công chúng được đắm mình trong những khúc hát giao duyên ân tình xứ sở, để thấy con người nơi đây đằm thắm dịu dàng và hiếu khách.
 
Chương 2 với chủ đề “Nơi tinh hoa hội tụ” với các tiết mục: Từ Tiên Điền đến Tràng An đượm tình câu ví, giặm do Nguyễn Ban soạn lời; Cung đàn Tố Như, sáng tác Vi Phong; Duyên nợ Nghi Xuân, sáng tác của Ngọc Thịnh; Đàn Kiều vọng mãi, sáng tác Lê Hàm. Tiếp nối chương 1, chương 2 là sự mô tả quá trình giao thoa của nền văn hóa Kinh Bắc Sông Hồng và văn hóa Hồng Lam để tạo nên một Nguyễn Du hoàn thiện về nhân cách, kiệt xuất về tài năng. Thơ Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều đã chuyển tải âm hưởng của hai miền văn hóa lớn. Tác phẩm đã chạm đến trái tim của cả nhân loại bởi tình yêu thương con người.
 
Khép lại chương trình nghệ thuật, Ngàn năm vẫn hát là chủ đề của chương 3, bao gồm các tiết mục: Cánh buồm tri thức quê Kiều vươn xa, sáng tác của Vũ Uy; Đất, người Nghi Xuân và Ngàn năm vẫn hát, sáng tác Mạnh Chiến. Sức sống của thời đại đang được kết nối từ quá khứ đến tương lai, làm nên sức sống muôn đời của tên tuổi Nguyễn Du cùng các kiệt tác của cụ. Huyết mạch thi ca của Nguyễn Du sẽ còn chảy mãi trong dòng máu quê hương, xứ sở tạo nên sức sống mãnh liệt, hun đúc nên hồn quê xứ Nghệ đặm tình da diết.
 
Theo Mạnh Hà – Phúc Quang/Báo Hà Tĩnh

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website